Doanh số thương mại điện tử sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025

| Tin tức
8980
Doanh số thương mại điện tử sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025

Thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% vào năm 2025 là mục tiêu của "Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia" giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.

Cụ thể, kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn với các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử.

Đồng thời, xây dựng thị trường lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Kế hoạch cũng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 cả về quy mô thị trường, hạ tầng các dịch vụ phụ trợ, tương quan phát triển thương mại điện tử giữa các vùng kinh tế, ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp cũng như về phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử.

Theo đó, về quy mô thị trường thương mại điện tử, kế hoạch đặt mục tiêu vào năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Cùng với đó, doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đối với hạ tầng các dịch vụ phụ trợ, theo kế hoạch, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua ác tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.

 

Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử. Cũng vào năm 2025, 70% các giao dịch mua hàng trên website/ ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Về tương quan phát triển thương mại điện tử giữa các vùng kinh tế, kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu: Đến năm 2025, các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, kế hoạch còn đề ra nhiều mục tiêu cụ thể khác như: 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 70% các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, kế hoạch vạch rõ 6 nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; Các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng thương mại điện tử; Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử…

Nguồn : THELEADER