Lắp thêm camera quan sát cho tàu cánh ngầm

| Tin tức
389
Lắp thêm camera quan sát cho tàu cánh ngầm

Citytelecom.com.vn - Khắc phục các khiếm khuyết, rà soát bến cảng, xây dựng phương án cứu hộ - cứu nạn... là những biện pháp cần làm để sớm đưa tàu cánh ngầm hoạt động trở lại.

Sáng 12/8, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Sở GTVT TP HCM, Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị kinh doanh hoạt động tàu cánh ngầm để tìm giải pháp khắc phục các khiếm khuyết của tàu cánh ngầm, theo yêu cầu của Bộ GTVT.

Thường xuyên lập đoàn kiểm tra đột xuất

Trước những kiến nghị và thắc mắc về thời gian được hoạt động lại của các hãng tàu cao tốc cánh ngầm, ông Nguyễn Khắc Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết để hoạt động lại, các hãng tàu cần rà soát thủ tục pháp lý và kiểm tra tình trạng kỹ thuật, điều kiện an toàn của tất cả phương tiện. “Các tàu cánh ngầm phải lắp đặt kết cấu chống cháy cho vách và trần của khoang máy chính; hệ thống tự động phát hiện và báo cháy cố định trong buồng máy; các điểm báo cháy bằng tay bên ngoài buồng máy, khoang hành khách và buồng lái...” - ông Thuấn nhấn mạnh.

Theo ông Thuấn, trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã giao các chi cục đăng kiểm tổ chức kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cho các tàu cánh ngầm đủ điều kiện. Kiên quyết không cho hoạt động nếu phương tiện không đạt về kỹ thuật và điều kiện an toàn theo yêu cầu.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, yêu cầu Sở GTVT TP HCM và Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cảng và đường thủy nội địa cấp phép cho tàu cánh ngầm hoạt động trở lại sau khi cơ quan đăng kiểm kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ đạt yêu cầu. Song song đó, Cảng vụ Hàng hải TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên lập đoàn kiểm tra đột xuất các điều kiện về an toàn kỹ thuật của các tàu cánh ngầm, nếu có sai phạm đến lần thứ hai thì ngưng hoạt động trong vòng 1 tháng, lần thứ ba thì dừng hẳn 1 năm đối với phương tiện đó.

Theo ông Hình, để bảo đảm an toàn khi đưa vào hoạt động, các đơn vị liên quan cần rà soát lại các bến, đặc biệt là bến cố định và các bến dự phòng cho tàu cánh ngầm khi có thời tiết xấu. Ngoài ra, các chủ tàu phải giám sát và điều chỉnh lịch chạy tàu cho phù hợp, tuyệt đối không để người lái tàu quyết định giờ chạy. “Cảng vụ nội địa TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần rà soát và hoàn thiện các phương án cứu hộ, cứu nạn. Chủ các tàu cánh ngầm chủ động liên hệ đơn vị thiết kế để lắp đặt hệ thống chống cháy, khảo sát kỹ thiết kế, phương án thi công” - ông Hình nhấn mạnh.

Doanh nghiệp phấn khởi

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tàu cao tốc Vina, cho biết 7 tháng bị đình chỉ hoạt động khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Chưa kể vừa qua, công ty phải bỏ hơn 500 triệu đồng để đầu tư, sửa chữa những khiếm khuyết cho mỗi tàu mà đoàn kiểm tra của Bộ GTVT yêu cầu. Với những yêu cầu lần này của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự kiến công ty phải bỏ thêm vài trăm triệu đồng cho mỗi tàu để khắc phục khiếm khuyết và mất hơn nửa tháng mới hoàn tất. “Chúng tôi sẽ khẩn trương thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng để nhanh chóng đưa tàu hoạt động trở lại” - ông Trùng khẳng định.

Theo ông Trần Quốc Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng, dù muộn nhưng quyết định cho tàu hoạt động trở lại khiến các doanh nghiệp rất phấn khởi. Công ty sẽ tập trung bổ sung các thiết bị phòng cháy chữa cháy, lắp camera quan sát … cho 3 tàu còn lại, cố gắng đưa tàu hoạt động vào dịp lễ 2-9 này.

Lắp thêm camera quan sát cho tàu cánh ngầm

Nhiều tàu cánh ngầm phải phơi nắng do bị đình chỉ hoạt động

Về phương án phòng chống rủi ro do thời tiết, theo ông Bùi Công Trùng, nên cho sử dụng các bến tạm như những bến bình thường để bảo đảm an toàn cho hành khách. Đối với việc khắc phục các bến tạm, ông Nguyễn Khắc Thuấn đề nghị Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Sở GTVT TP HCM xem xét những vướng mắc, các yếu tố cần bổ sung để báo cáo Bộ GTVT xem xét đề xuất các giải pháp cụ thể. 

Cần cơ chế hỗ trợ

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về hoạt động tàu cánh ngầm, Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành xem xét, nghiên cứu sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu cánh ngầm đầu tư phương tiện mới thay thế phương tiện cũ nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo bộ này, các tàu cánh ngầm hiện nay đều có tuổi thọ cao, mặc dù có thể khắc phục những khiếm khuyết nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.